Omeprazol - Thuốc ức chế bơm proton, chống loét dạ dày tá tràng

Tên quốc tế: Omeprazole
CHỈ ĐỊNH
Trào ngược dịch dạ dày - thực quản.
Loét dạ dày - tá tràng.
Hội chứng Zollinger - Ellison.
Thuốc cũng được dùng kết hợp với thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn H. pylori gây nhiễm trùng dạ dày. Loại thuốc omeprazole không cần kê đơn được sử dụng để điều trị chứng ợ nóng thường xuyên.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Chống chỉ định ở những bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với omeprazole, benzimidazoles thay thế hoặc các thành phần của thuốc. Phản ứng quá mẫn có thể bao gồm phản ứng phản vệ, sốc phản vệ, phù mạch, co thắt phế quản, viêm thận kẽ cấp tính và nổi mề đay.
SỬ DỤNG THUỐC
Ðể có liền sẹo lâu dài và tránh loét tái phát, cần phải loại trừ hoàn toàn H. pylori và giảm hoặc ngừng dùng thuốc chống viêm không steroid.
Ðiều trị chứng viêm thực quản do trào ngược dạ dày - thực quản: Liều thường dùng là 20 - 40mg, uống mỗi ngày 1 lần, trong thời gian từ 4 - 8 tuần; sau đó có thể điều trị duy trì với liều 20mg, 1 lần/ ngày.
Ðiều trị loét: Uống mỗi ngày một lần 20mg (trường hợp nặng có thể dùng 40mg) trong 4 tuần nếu là loét tá tràng, trong 8 tuần nếu là loét dạ dày. Không nên dùng kéo dài hơn thời gian trên. Trị liệu bằng omeprazol làm giảm độ toan trong dạ dày nhưng lại làm tăng gastrin, tuy nhiên là tăng tạm thời và phục hồi được. Khi điều trị dài ngày, dễ gặp tăng sinh nang tuyến dạ dày. Những thay đổi đó có tính chất sinh lý, lành tính và hồi phục được. Tác dụng ức chế tạo proton đồng biến với vùng nằm dưới đường cong nồng độ - thời gian, chứ không chỉ đơn thuần với nồng độ thuốc trong huyết tương. Liều uống 20mg omeprazol làm giảm tạo HCl trong vòng 2 giờ. Dùng nhiều ngày, mỗi ngày uống 1 liều thì tác dụng tối đa sẽ đạt được sau 3 - 5 ngày. Từ đó, độ toan của dạ dày bị giảm đi trung bình là 80% và sự tạo HCl do kích thích bằng pentagastrin bị giảm đi 70% sau khi uống thuốc 24 giờ. Tác dụng ức chế bài tiết HCl của thuốc kéo dài; tác dụng này hết sau khi ngừng dùng thuốc 5 ngày. Uống một nang 20mg đầu tiên đã có tác dụng làm giảm các triệu chứng, và ở phần lớn người bệnh bị loét tá tràng trong vòng 2 tuần lễ đã thấy lên sẹo. Ở người loét dạ dày và viêm thực quản có trào ngược thì trung bình phải 4 tuần mới liền sẹo.Tuy nhiên, tỷ lệ tái phát sẽ cao, nếu không triệt được H. pylori và nếu không giảm hoặc ngừng việc sử dụng thuốc chống viêm không steroid (ngay cả dưới dạng viên bao hay viên được giải phóng chậm), vì thuốc chống viêm không steroid ức chế sự tổng hợp prostaglandin cần cho bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Sử dụng omeprazol trong điều trị loét: Omeprazol chỉ là một trong các thuốc trị liệu với công thức 2 hoặc 3 thuốc (ức chế bơm proton, kháng sinh, thuốc chống acid). Cần chú ý rằng 30% số người bệnh có H. pylori kháng lại các nitro - imidazol. Ðể triệt H. pylori, thuốc thường được dùng là amoxycilin (hay tetracyclin) + metronidazol (hay tinidazol) trong 10 ngày. Nên uống omeprazol đồng thời với amoxicilin, vì nếu dùng omeprazol trước thì sẽ làm giảm tác dụng của cả hai thuốc này. Trị liệu dùng 3 thuốc thường gây nhiều tác dụng không mong muốn hơn so với dùng 2 thuốc, nhưng trong cả hai trường hợp, tác dụng không mong muốn đều nhẹ. Khi chọn lựa phương án điều trị, phải tính đến cả tính kháng kháng sinh của H. pylori. Do đó phải nuôi cấy H. pylori.Nếu dùng liều cao thì không được ngừng thuốc đột ngột mà phải giảm dần.
Ðiều trị hội chứng Zollinger - Ellison: Mỗi ngày uống một lần 60mg (20 - 120mg mỗi ngày); nếu dùng liều cao hơn 80mg thì chia ra 2 lần/ ngày. Liều lượng cần được tính theo từng trường hợp cụ thể và trị liệu có thể kéo dài tùy theo yêu cầu lâm sàng. Không được ngừng thuốc đột ngột.
TÁC DỤNG PHỤ
Táo bón, đầy hơi, buồn nôn, nôn, đau đầu, phát ban, nổi mề đay, ngứa, sưng mặt, cổ họng, lưỡi, môi, mắt, tay, chân, mắt cá chân hoặc cẳng chân; khó thở hoặc khó nuốt, khàn tiếng, nhịp tim bất thường, mệt mỏi quá mức, chóng mặt, lâng lâng, co thắt cơ bắp, lắc không kiểm soát được một phần cơ thể, co giật, tiêu chảy, đau bụng, sốt. Tăng nguy cơ bị gãy xương cổ tay, hông hoặc cột sống hơn những người không dùng thuốc này. Omeprazole có thể gây ra các tác dụng phụ khác. Gọi cho bác sĩ nếu có bất kỳ vấn đề bất thường nào khi dùng thuốc.
CHÚ Ý KHI DÙNG THUỐC
Trước khi cho người bị loét dạ dày dùng omeprazol, phải loại trừ khả năng bị u ác tính (thuốc có thể che lấp các triệu chứng, do đó làm muộn chẩn đoán).
Nên tiêm thuốc vào tĩnh mạch cho người bệnh nặng và người có nhiều ổ loét để phòng ngừa chảy máu ổ loét do stress. Phải tiêm tĩnh mạch chậm ít nhất là 3 phút, tốc độ tối đa là 4ml/phút. Liều 40mg tiêm tĩnh mạch sẽ làm giảm ngay lượng acid hydroclorid (HCl) trong dạ dày trong vòng 24 giờ.
Phụ nữ có thai: Tuy không thấy omeprazol có khả năng gây dị dạng và gây độc với bào thai nhưng không nên dùng cho người mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu.
Bà mẹ cho con bú: Omeprazole hiện diện trong sữa mẹ. Thận trọng khi dùng Omeprazole cho phụ nữ cho con bú.
Trẻ em: Tính an toàn và hiệu quả của Omeprazole chưa được thiết lập ở bệnh nhân <1 tuổi.
Người cao tuổi: Thận trọng khi dùng Omeprazole cho người cao tuổi vì độ nhạy cảm với thuốc ở đối tượng này có thể lớn hơn.
Bệnh nhân suy gan và người gốc châu Á: Xem xét việc giảm liều.
QUÁ LIỀU
Các triệu chứng của quá liều có thể bao gồm nhầm lẫn, buồn ngủ, mờ mắt, nhịp tim nhanh, buồn nôn, nôn, ra mồ hôi, nóng bừng, đau đầu, khô miệng. Nếu nạn nhân hôn mê hoặc không thở được, cần gọi cấp cứu ngay lập tức.
BẢO QUẢN
Giữ thuốc trong hộp kín, ngoài tầm với của trẻ em. Bảo quản ở nhiệt độ phòng, nơi khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp.
NẾU QUÊN UỐNG THUỐC
Bổ sung liều ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời gian giãn cách với liều tiếp theo quá ngắn thì bỏ qua liều đã quên và tiếp tục lịch dùng thuốc. Không dùng liều gấp đôi để bù cho liều đã bị bỏ lỡ.
TƯƠNG TÁC
Omeprazol không có tương tác quan trọng trên lâm sàng khi được dùng cùng thức ăn, rượu, amoxycilin, bacampicilin, cafein, lidocain, quinidin hay theophylin. Thuốc cũng không bị ảnh hưởng do dùng đồng thời Maalox hay metoclopramid.
Omeprazol có thể làm tăng nồng độ ciclosporin trong máu
Omeprazol làm tăng tác dụng của kháng sinh diệt trừ H. pylori.
Omeprazol ức chế chuyển hóa của các thuốc bị chuyển hóa bởi hệ enzym trong cytocrom P450 của gan và có thể làm tăng nồng độ diazepam, phenytoin và warfarin trong máu. Sự giảm chuyển hóa của diazepam làm cho tác dụng của thuốc kéo dài hơn. Với liều 40mg/ ngày omeprazol ức chế chuyển hóa phenytoin và làm tăng nồng độ của phenytoin trong máu, nhưng liều omeprazol 20mg/ ngày lại có tương tác yếu hơn nhiều. Omeprazol ức chế chuyển hóa warfarin nhưng lại ít làm thay đổi thời gian chảy máu.
Omeprazol làm tăng tác dụng chống đông máu của dicoumarol.
Omeprazol làm giảm chuyển hóa nifedipin ít nhất là 20% và có thể làm tăng tác dụng của nifedipin.
Clarithromycin ức chế chuyển hóa omeprazol và làm cho nồng độ omeprazol tăng cao gấp đôi.
DƯỢC LÝ VÀ CƠ CHẾ
Omeprazol ức chế sự bài tiết acid của dạ dày do ức chế có hồi phục hệ enzym hydro - kali adenosin triphosphatase (còn gọi là bơm proton) ở tế bào viền của dạ dày. Tác dụng nhanh, kéo dài nhưng hồi phục được. Omeprazol không có tác dụng lên thụ thể (receptor) acetylcholin hay thụ thể histamin. Ðạt tác dụng tối đa sau khi uống thuốc 4 ngày.
DƯỢC ĐỘNG HỌC
Omeprazol được hấp thu hoàn toàn ở ruột non sau khi uống từ 3 - 6 giờ. Khả dụng sinh học khoảng 60%. Thức ăn không ảnh hưởng lên sự hấp thu thuốc ở ruột.
Sự hấp thu omeprazol phụ thuộc vào liều uống. Thuốc có thể tự làm tăng hấp thu và khả dụng sinh học của nó do ức chế dạ dày bài tiết acid. Thuốc gắn nhiều vào protein huyết tương (khoảng 95%) và được phân bố ở các mô, đặc biệt là ở tế bào viền của dạ dày. Khả dụng sinh học của liều uống một lần đầu tiên là khoảng 35%, nhưng sẽ tăng lên khoảng 60% khi uống tiếp mỗi ngày một liều. Tuy nửa đời thải trừ ngắn (khoảng 40 phút), nhưng tác dụng ức chế bài tiết acid lại kéo dài nên có thể dùng mỗi ngày chỉ 1 lần.
Omeprazol hầu như được chuyển hóa hoàn toàn tại gan, đào thải nhanh chóng, chủ yếu qua nước tiểu (80%), phần còn lại theo phân. Các chất chuyển hóa đều không có hoạt tính nhưng lại tương tác với nhiều thuốc khác do tác dụng ức chế các enzym của cytochrom P450 của tế bào gan.
Dược động học của thuốc không bị thay đổi có ý nghĩa ở người cao tuổi hay người bệnh bị suy chức năng thận. Ở người bị suy chức năng gan, khả dụng sinh học của thuốc tăng và độ thanh thải thuốc giảm nhưng không có tích tụ thuốc và các chất chuyển hóa của thuốc trong cơ thể.
Previous Post Next Post