Chẩn đoán và điều trị điếc đột ngột

Điếc đột ngột thường được hiểu là một bệnh cảnh điếc thần kinh giác quan xảy ra một cách đột ngột trên những bệnh nhân không có tiền sử suy giảm sức nghe. Điếc đột ngột là một cấp cứu tai mũi họng. Bệnh có thể diễn biến trong vòng vài giờ đến vài ngày. Mức độ điếc và tính chất rất khác nhau, điếc có thể xẩy ra một bên tai hoặc cả hai tai, mức độ từ nghe kém nhẹ đến điếc nặng hoàn toàn trên ít nhất ba tần số liên tiếp. Tiến triển đôi khi có thể trở lại bình thường hoặc gần bình thường, nhưng hầu hết là điếc không hồi phục nếu không được điều trị kịp thời.
1. NGUYÊN NHÂN SINH BỆNH
Một số nguyên nhân hay các yếu tố thuận lợi như: đái tháo đường, bệnh tim mạch, nghiện rượu, tình trạng mệt mỏi, stress, mang thai… Một số nguyên nhân được biết đến là:
− Nguyên nhân do siêu vi trùng: virus gây quai bị, zona, sởi, cúm.
Tình trạng nhiễm khuẩn đường thở trên cấp tính, có đến 25 % người bệnh có thể bị điếc đột ngột, nguyên nhân có thể là do viêm nhiễm mê nhĩ – nội dịch do virus.
− Do tiếng ồn: điếc gây ra do tiếp xúc với tiếng ồn trong một thời gian dài thì diễn ra từ từ, bệnh nhân khó nhận biết, bệnh nhân sẽ nghe kém dần dần. Điếc đột ngột do tiếng ồn là điếc xẩy ra ngay lập tức sau khi nghe tiếng ồn, một âm thanh quá to trong một khoảnh khắc hoặc một khoảng thời gian nhất định.
− Sự thay đổi áp lực đột ngột có thể gây rách màng Reissner và gây ra điếc tức thì.
− U dây VIII: khoảng từ 1-15% bệnh nhân bị u dây VIII có triệu chứng đầu tiên là điếc đột ngột.
− Rò ngoại dịch: các tác nhân gây dò ngoại dịch như chấn thương khí áp, chấn thương ốc tai… có thể dẫn đến điếc đột ngột.
− Các nguyên nhân mạch máu: co thắt mạch máu, huyết khối, xuất huyết tai trong, quá kết dính, lắng cặn…
− Điếc tự miễn: điếc tiếp nhận không đối xứng ở hai tai, khởi phát và diễn biến xấu đi trong vòng vài tuần, có thể kèm theo liệt mặt ngoại biên, xét nghiệm miễn dịch và chẩn đoán điếc tự miễn dịch.
2. CHẨN ĐOÁN
2.1. Triệu chứng lâm sàng
− Nghe kém: nghe kém có thể xẩy ra đột ngột, tức thì, hoặc diễn biến trong vòng một giờ, một ngày hoặc vài ngày. Nghe kém cả hai tai thường được phát hiện ngay nhưng điếc một bên tai thường gặp hơn, những bệnh nhân này thường đến khá muộn, chỉ được phát hiện tình cờ...
− Ù tai: 70 - 90 % bệnh nhân điếc đột ngột có kèm theo ù tai, như ve kêu, như tiếng xay lúa hoặc như còi tàu, nhiều khi ù tai là triệu chứng đầu tiên làm bệnh nhân khó chịu và phát hiện ra điếc. Ù tai có thể kéo dài trong vòng một tháng, tuy nhiên ở một số bệnh nhân ù tai tồn tại lâu dài, kể cả khi sức nghe đã được hồi phục.
− Chóng mặt: 20 - 40 % có biểu hiện chóng mặt, 10 % có biểu hiện chóng mặt thoáng qua, chếnh choáng. Chóng mặt có thể từ 4 - 7 ngày, cá biệt có thể kéo dài vài tuần. Nôn và buồn nôn cũng thường xẩy ra nếu chóng mặt nặng.
− Các triệu chứng khác: cảm giác nặng đầu, không phải là cơn đau rõ rệt. Sốt thường gặp ở bệnh nhân bị cảm cúm, viêm đường thở trên cấp tính...
2.2. Cận lâm sàng
− Thính lực đồ: đo thính lực đồ đơn âm phát hiện điếc với nhiều mức độ khác nhau, các dạng điếc khác nhau, các tác giả thường phân làm bốn loại như sau:
− Nghe kém tần số thấp là chính: thính lực đồ có dạng đi lên, tiến triển và tiên lượng thường tốt.
− Nghe kém đều cả tần số thấp và cao, thính lực đồ có dạng nằm ngang, tiến triển và tiên lượng không tốt bằng typ 1.
− Nghe kém tần số cao là chính: thính lực đồ có dạng đi xuống, tiến triển và tiên lượng không tốt lắm.
− Điếc hoàn toàn hay điếc sâu: thường tiên lượng xấu, loại này nếu không điều trị kịp thời thì không có xu hướng tự khỏi.
− Thăm khám tiền đình.
− Đo chức năng vòi nhĩ: loại trừ viêm tai tiết dịch, đánh giá sự biến đổi áp lực dịch tai trong.
− X quang: chụp CT scan, MRI tìm các bệnh lý của xương chũm, các khối u dây VIII, dây VII, u góc cầu tiểu não…
− Các thăm khám tổng thể: mạch, huyết áp, mắt, chuyên khoa tim mạch, nội tiết, các xét nghiệm cholesterol, lipid toàn phần, nghiên cứu về đông máu…
3. PHÁC ĐỒ ĐIỀU TRỊ
Điều trị: tùy theo nguyên nhân. Trước hết xác định vị trí tổn thương là ốc tai hay sau ốc tai bằng cách đo ABR.
Điều trị theo nguyên nhân:
− Nguyên nhân co thắt mạch máu.
− Nguyên nhân tăng áp lực nội dịch tai trong.
− Nguyên nhân dò dịch mê đạo.
Phác đồ điều trị: điếc đột ngột ở người trưởng thành, chưa rõ nguyên nhân (không có tiền sử cao huyết áp, tiểu đường, u dây thần kinh…), điều trị từ 7-10 ngày.
− Nhóm chống co thắt vi mạch: piracetam truyền tĩnh mạch:
+ Piracetam 1g x 3-4 ống.
+ Ringer lactat hoặc Gluco 5% 500ml truyền tĩnh mạch chậm 40 giọt/phút.
− Thuốc tăng cường tuần hoàn não: Tanakan.
− Nhóm corticoid: Solumedrol 40mg x 1 lọ tiêm tĩnh mạch.
− Nhóm chống dị ứng, kháng histamine:
+ Betaserc 24mg x 2 viên uống sáng/chiều.
+ Telfast 180mg x 1 viên uống sau ăn.
− Vitamin nhóm B: Vitamin 3B x 2 viên uống sáng, chiều.
− Tăng oxy: Tanakan x 4 viên uống sáng, chiều.
− Kháng sinh và thuốc chống viêm nếu cần.
− Hạn chế vận động.
4. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG
Điếc đột ngột thực sự là một cấp cứu tai mũi họng, việc chẩn đoán và điều trị sớm có một tầm quan trọng đặc biệt, sức nghe có thể hồi phục hoàn toàn nếu được điều trị kịp thời, nếu để muộn thì để lại di chứng điếc vĩnh viễn.
Tiên lượng phụ thuộc các yếu tố sau:
− Bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị sớm dưới 7 ngày nhiều khả năng hồi phục hoàn toàn.
− Bệnh nhân kèm theo các bệnh lý nội khoa kết hợp như cao huyết áp, tiểu đường..., việc kiểm soát tốt các bệnh lý này có vai trò rất quan trọng. Bệnh nhân bị điếc đột ngột do siêu vi trùng như sau cúm, sốt cao kèm theo chóng mặt, sau quai bị.... tiên lượng thường khó hồi phục.
Previous Post Next Post